Cách đọc báo cáo tài chính chi tiết của Warren Buffett
Warren Buffett là người hiếm hoi trở thành tỷ phú thuần túy nhờ vào khả năng đầu tư xuất chúng của mình chứ không phải nhờ thừa kế hay tạo lập doanh nghiệp riêng. Ở Warren Buffett một trong những nhà đầu tư cổ phiếu thành công nhất mọi thời đại có rất nhiều thứ để chúng ta cần học hỏi. Và bài viết hôm nay Changetoberich sẽ giới thiệu đến bạn cách mà Warren Buffett phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ông đầu tư.
1. Warren Buffett phân tích bảng báo cáo kết quả kinh doanh
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
1.1 Warren Buffett xem xét biên lợi nhuận gộp
Biên lợi nhuận gộp = lợi nhuận gộp (= tổng doanh thu – giá vốn hàng bán)/tổng doanh thu (hay doanh thu thuần)
Biên lợi nhuận tăng đều qua các năm là dấu hiệu của một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và bộ máy hoạt động kinh doanh hiệ quả.
Khi có biên lợi nhuận gộp cao doanh nghiệp có thể tăng giá mà không làm giảm cầu của khách hàng. Theo Buffett :
- Nếu Biên lợi nhuận gộp càng cao càng tốt, nếu lớn hơn 30%, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững dài hạn.
- Nếu Biên lợi nhuận gộp từ 20-30%, doanh nghiệp hoạt động tốt, chấp nhận được.
- Nếu Biên lợi nhuận gộp nhỏ hơn 10%, khả năng cao doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh nào. Và sự cạnh tranh đến từ đối thủ khác có thể bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp
Tuy nhiên, trong nhiều ngành nghề, biên lợi nhuận gộp có thể là rất nhỏ, khi đó, bạn hãy luôn nhớ rằng ổn định của biên lợi nhuận và biên lợi nhuận cao nhất trong ngành là một yếu tố mà bạn cần tìm ở doanh nghiệp.
1.2 Warren Buffett xem xét chi phí bán hàng và Chi phí quản lý doanh nghiệp
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Buffett ưa thích sự ổn định của chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong nhiều năm.
Một doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh sẽ có các chi phí này biến động rất nhiều hàng năm so với lợi nhuận gộp.
- Nếu tỷ lệ chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận gộp nhỏ hơn 30%, đây là một doanh nghiệp tuyệt vời với khả năng quản lý chi phí tốt.
- Nếu tỷ lệ này cao hơn 70%, doanh nghiệp đang kinh doanh trong 1 ngành nghề rất cạnh tranh và gần như không có 1 lợi thế cạnh tranh gì đặc biệt.
- Một yếu tố cần để ý là, các DN nào có tỷ số chi phí này thấp dần, phần lớn đều có khả năng tăng giá bán trong ngành nghề hoạt động mà ít phụ thuộc vào việc đẩy mạnh chi phí bán hàng.
1.3 Warren Buffett xem xét chi phí nghiên cứu phát triển (R&D)
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Trong báo cáo tài chính tại Việt Nam, chi phí R&D không được tách thành 1 khoản mục riêng. Nhưng có nhiều công ty niêm yết ở Mỹ có công bố chi phí R&D trong báo cáo kết quả kinh doanh.
Nếu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được tạo ra từ những bằng sáng chế hoặc lợi thế từ 1 công nghệ mới (như các doanh nghiệp liên quan tới công nghệ), đến 1 thời điểm nào đó lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ không còn nữa vì những phát minh sáng chế, hay công nghệ đó khi hết quyền bảo vệ trí tuệ sẽ bị sao chép rất nhanh.
Buffet thường đánh giá cao những doanh nghiệp có tỷ lệ R&D/doanh thu ở mức thấp tương đối so với các doanh nghiệp trong ngành nhưng luôn được duy trì ổn định.
1.4 Warren Buffett xem xét chi phí khấu hao
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững thường có tỷ lệ khấu hao/lợi nhuận gộp thấp trong ngành.
1.5 Warren Buffett xem xét chi phí lãi vay
Một doanh nghiệp có tỷ lệ lãi vay cao khi so sánh với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính (operating income, hay EBIT) sẽ có 2 tình huống:
- Doanh nghiệp ở trong 1 ngành nghề có sự cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (Capex) rất lớn hàng năm để duy trì vị thế cạnh tranh
- Doanh nghiệp có tình trạng kinh doanh rất tốt và đang sử dụng đòn bẩy nợ vay cho hoạt động thâu tóm mua lại.
Đối với Warren Buffett, một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thường có rất ít, hoặc không có lãi vay. Với Buffett nếu tỉ lệ chi phí lãi vay/lợi nhuận gộp càng thấp càng tốt, nếu tỉ lệ này dưới 10% là rất tốt.
Mặc dù lãi vay phải trả của từng doanh nghiệp sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng ngành nghề, tuy nhiên, trong bất kỳ ngành nghề nào, một doanh nghiệp có tỷ lệ lãi vay/EBIT thấp nhất luôn là 1 doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh nhất định.
1.6 Warren Buffett xem xét lợi nhuận ròng
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Bạn cần phải đánh giá xu hướng ổn định và tăng trưởng đều đặn, đồng nhất của doanh nghiệp qua từng năm. Buffett cũng khuyên chúng ta nên loại bỏ thu nhập, chi phí từ hoạt động khác, lợi nhuận bất thường khi tính toán lợi nhuận ròng. Vì những khoản này không thể hiện gì về chất lượng của hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Buffet ưa thích các doanh nghiệp có lợi nhuận ròng có tốc độ tăng trưởng qua các năm, và các năm gần đây lợi nhuận không âm.
Ngoài ra, bạn cần chú ý xu hướng lợi nhuận ròng khác với xu hướng EPS vì doanh nghiệp có thể pha loãng cổ phiếu hoặc mua lại cổ phiếu quỹ. Và tất nhiên, xu hướng EPS được ưu tiên hơn xu hướng lợi nhuận ròng. Buffett cũng thích các doanh nghiệp có EPS tăng đều qua các năm.
Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ lợi nhuận ròng/doanh thu (ROS) duy trì ở mức cao trên 20% trong nhiều năm đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ 1 lợi thế cạnh tranh dài hạn nào đó.
Nếu tỷ lệ này thấp hơn 10% khả năng cao doanh nghiệp đang trong ngành có tính cạnh tranh khá cao.
Sau bài này, mong các bạn đã hiểu được 1 trong nhưng cách đọc báo cáo kết quả kinh doanh của nhà đầu tư giá trị nổi tiếng Warren Buffett. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu tiếp về cách đọc bảng cân đối kế toán của Buffett nhé.
2. Cách Warren Buffett đọc bảng cân đối kế toán
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Tiếp theo phần về báo cáo kết quả kinh doanh, trong bài này chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp về cách đọc bảng cân đối kế toán của Warrent Buffett. Với việc hiểu được báo cáo này, nhà đầu tư sẽ nắm bắt được các khoản mục nợ và tài sản rất quan trọng của doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán giúp nhà đầu tư có thể nghiên cứu về tài sản của doanh nghiệp, các khoản nợ và vốn chủ sở hữu trong thời điểm lập báo cáo.
👉 Trong bảng cân đối kế toán các bạn có thể thấy 2 phần Tài sản, nguồn vốn:
Phần 1: Tài sản bao gồm tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho, đất đai, máy móc thiết bị nhà xưởng...
Phần 2: Bao gồm Nợ và vốn chủ sở hữu.
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về các khoản mục này qua bài viết hôm nay nhé.
2.1 Warren Buffett xem xét Tiền mặt và các khoản tương đương tiền
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Có thể nói tiền mặt là công cụ mạnh nhất để một doanh nghiệp có thể chống chọi với thời điểm khó khăn. Một doanh nghiệp liên tục thiếu tiền mặt không thể có tình hình tài chính ổn định.
Một lượng tiền mặt cao có thể được hiểu là 1 trong những tình huống sau:
- Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững và tạo ra nhiều tiền mặt liên tục.
- Doanh nghiệp vừa có 1 khoản thu nhập bất thường nào đó
Nếu tiền và các khoản tương đương tiền nếu ở mức cao thường có 2 mặt:
- Mặt tích cực là có thể doanh nghiệp có 1 lợi thế cạnh tranh bền vững giúp hoạt động kinh doanh tạo ra tiền mặt liên tục
- Mặt tiêu cực là doanh nghiệp đang “bế tắc” trong việc tái đầu tư dòng tiền tạo ra, do đó không còn cách nào khác là gửi ngân hàng hoặc trả cổ tức tiền mặt cao cho cổ đông
Ngoài ra, tiền mặt cao cũng có thể doanh nghiệp vừa có 1 khoản dòng tiền bất thường nào đó, mà chúng ta có thể tìm hiểu trong phần thuyết minh.
Theo Buffett số dư tiền mặt cần chiếm khoảng ít nhất 10% nợ ngắn hạn mới được coi là có lượng tiền mặt tương đối khá (tức là hệ số khả năng thanh toán tức thời = tiền và tương đương tiền/nợ ngắn hạn khoảng từ 10% trở lên).
Tiền tăng liên tục dấu hiệu tốt, còn giảm liên tục, teo tóp dần là dấu hiệu xấu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
👉 Thông thường, có 3 cách để có 1 lượng dự trữ tiền mặt lớn, đó là:
- Phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu
- Bán tài sản lớn hoặc công ty con, hoặc công ty liên kết
- Hoạt động kinh doanh tốt nên tạo ra dòng tiền dương.
Nhà đầu tư nên đọc bảng cân đối của doanh nghiệp trong từ 3-10 năm để đánh giá chính xác nguồn tiền mặt được tạo ra từ đâu trong 3 cách trên.
Khi môt doanh nghiệp gặp phải những khó khăn ngắn hạn về kinh doanh hoặc tài chính, Warren Buffett thường nhìn vào lượng tiền mặt và những giấy tờ có giá dễ thanh khoản để đánh giá sức mạnh tài chính của doanh nghiệp có đủ để vượt qua những khó khăn ngắn hạn đó hay không.
Khi đó, lượng tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn, trái phiếu và cổ phiếu có thanh khoản cao càng lớn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể dễ dàng vượt qua khó khăn.
2.2 Warren Buffett xem xét Các khoản phải thu
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Bên cạnh tiền và tương đương tiền khoản phải thu cũng một mục quan trọng nhất khi đánh giá báo cáo tài chính.
Hiểu đơn giản khoản phải thu là số tiền doạn nghiệp bán nợ cho khách hàng hoặc nhà phân phối. Khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn qua các năm giảm dần là tốt (dấu hiệu cho rằng công ty không bị chiếm dụng vốn).
Trong một ngành nghề có tính cạnh tranh cao, để có thể giữ được vị thế (thị phần) bán hàng, nhiều doanh nghiệp thường có những chính sách chiết khấu cao hoặc chính sách thanh toán chậm cho những nhà phân phối, đại lý.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng (hoặc giữ) được doanh số, tuy nhiên các khoản phải thu cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Do đó, bạn cần đánh giá sâu hơn về tỷ lệ các khoản phải thu/doanh thu của doanh nghiệp trong nhiều năm liền có ổn định không và có thấp hơn so với các doanh nghiệp khác trong ngành không. Theo Buffett tỷ lệ này của doanh nghiệp thấp hơn 30% là rất tốt, từ 30-50% nhà đầu tư có thể chấp nhận được. Tỷ lệ khoản phải thu càng cao so với doanh thu cho thấy rủi ro của doan nghiệp, bởi việc gia tăng doanh số bán hàng không đồng nghĩa với việc dòng tiền thu về tương ứng.
Nếu doanh nghiệp duy trì tỷ lệ này ổn định và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành, có thể doanh nghiệp có những lợi thế cạnh tranh nhất định đối với khách hàng, hoặc đối với nhà phân phối và các đại lý.
👉 Quan trọng: Mục tiêu của nhà đầu tư khi đánh giá không phải là chỉ nhìn vào các con số tuyệt đối mà chúng ta phải nhìn được xu hướng của các con số, các tỷ lệ trong 1 khoảng thời gian dài 3-10 năm và so sánh với xu hướng của các tỷ lệ tương tự ở các doanh nghiệp đối thủ trong ngành.
2.3 Hàng tồn kho
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Khi đánh giá hàng tồn kho đối với những doanh nghiệp sản xuất, bạn nên chú ý đến những điểm chính sau:
- Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh sản phẩm của họ sẽ không cần phải thay đổi quá nhiều để chạy theo nhu cầu của khách hàng và vì thế sản phẩm sẽ rất khó trở nên lỗi thời.
Warren Buffett luôn đánh giá cao đặc điểm này, chẳng hạn như sản phẩm của Coca Cola là 1 ví dụ điển hình cho lựa chọn của Buffett.
- Khi bạn muốn xác định những dấu hiệu của lợi thế cạnh tranh trong doanh nghiệp sản xuất, bạn có thể đánh giá kỹ sự tăng trưởng đồng đều giữa hàng tồn kho và doanh thu.
Một doanh nghiệp luôn có 1 tỷ lệ khách hàng mới, đơn hàng mới ổn định sẽ có lượng hàng tồn kho và doanh thu tăng tương ứng với nhau.
- Một doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng giảm đột biến (hoặc thất thường) thường thể hiện sự không hiệu quả trong quản lý hàng tồn kho, hoặc hoạt động kinh doanh không thực sự hiệu quả.
2.4 Warren Buffett xem xét Tài sản cố định hữu hình
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Warren Buffett từng nói rằng:
“Tôi thích những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững vì thế họ không tốn quá nhiều tiền đầu tư thêm tài sản nhưng vẫn có thể tạo ra được dòng tiền ổn định, đều đặn.”
Hay diễn đạt theo 1 cách khác, những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh Capex sử dụng để duy trì vị thế hiện tại sẽ không lớn.
Ngược lại, những doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh sẽ phải tốn chi phí nâng cấp nhà cửa thiết bị một cách liên tục.
Ngoài ra, một điểm khác biệt nữa giữa doanh nghiệp có và không có lợi thế cạnh tranh đó là, những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh có thể sử dụng dòng tiền hiện có để tài trợ cho việc mua mới tài sản cố định.
Nhiều doanh nghiệp không đủ tiền sẽ phải tài trợ nhiều bằng nợ vay, do đó, biên lợi nhuận sẽ thấp hơn và sức khỏe tài chính cũng kém hơn.
Do đó, đối với khoản mục này, bạn nên xem xét thêm tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản, tỷ lệ capex hàng năm so sánh với tăng trưởng doanh thu, và tỷ lệ capex được tài trợ bằng nợ vay.
Và tất nhiên, bạn cần đánh giá trong 1 khoảng thời gian đủ dài, tối thiểu là 5 năm, và so sánh với các doanh nghiệp đối thủ trong ngành để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
2.5. Warren Buffett xem xét Tài sản cố định vô hình
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Đây là 1 khoản mục mà hầu hết những nhà đầu tư cá nhân thường vội vàng bỏ qua khi xem báo cáo tài chính, tuy nhiên, Buffett khuyên nhà đầu tư nên dành thời gian ngâm cứu về khoản này nếu có trong bảng cân đối kế toán hoặc thuyết minh báo cáo tài chính.
- Một trong các khoản mục tài sản vô hình cần trú trọng là quyền sử dụng đất. Lô đất đó nằm ở đâu? Tài sản hình thành trên đất là gì? Giá trị ghi sổ là bao nhiêu? Ước tính giá trị là bao nhiêu?
- Bạn có thể tham khảo các báo cáo của các công ty chứng khoán, hoặc sử dụng phương pháp tin đồn trên báo chí, internet để ước tính giá đất ở khu vực đó và dựa trên thông tin có được từ diện tích, bạn có thể phần nào ước tính được giá trị thực của khu đất ấy.
- Đây là giá trị không được ghi nhận trên báo cáo tài chính. Hãy chú ý đến nó vì giá trị của lô đất có thể ở thời điểm hiện tại đã tăng gấp hàng chục lần.
- Ngoài ra còn các tài sản vô hình khác như: lợi thế cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, bản quyền, giấy phép… cũng cần được tính đến khi đánh giá doanh nghiệp
- Những tài sản vô hình này càng lớn, càng nhiều lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp càng lớn, rào cản đối với những doanh nghiệp mới muốn ra nhập ngành hoặc cạnh tranh với doanh nghiệp chúng ta nghiên cứu càng lớn.
Bạn cần phải ghi nhớ kỹ những điều này khi đánh giá tài sản vô hình, nếu không bạn có thể bỏ sót những doanh nghiệp rất tốt, những cơ hội đầu tư tuyệt vời, trong khi lại chạy theo những doanh nghiệp “cấp thấp” không có chút lợi thế nào.
2.6 Warren Buffett xem xét Lợi thế thương mại.
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Khoản mục “Lợi thế thương mại” tăng lên trên bảng cân đối kế toán tức là doanh nghiệp vừa thực hiện 1 giao dịch thâu tóm 1 doanh nghiệp khác với giá cao hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp bị thâu tóm.
Tất nhiên, một doanh nghiệp bình thường sẽ rất khó bị bán với giá thấp hơn giá trị sổ sách của nó, trừ khi cả thị trường chứng khoán đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Do đó, theo Buffett khi thấy mục “Lợi thế thương mại” chúng ta nên đánh giá doanh nghiệp bị thâu tóm. Nếu đó là 1 doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bạn có thể yên tâm 1 phần rằng lợi thế thương mại trong trường hợp này là 1 dấu hiệu tốt.
27. Warren Buffett xem xét Nợ ngắn hạn
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Nợ ngắn hạn hay nợ lưu động là khái niệm để chi các khoản nợ ngắn hạn đối với các nhà cung cấp, ngân hàng vv…trong phạm vi một năm.
Về bản chất, đó là những hóa đơn phải trả giữa người đi vay và người cho vay trong một khoảng thời gian ngắn. Thông thường, công ty dùng tiền mặt trong tài sản ngắn hạn để trả cho nợ ngắn hạn của họ.
👉 Các khoản nợ phải trả ngắn hạn bao gồm:
- Khoản nợ dài hạn đến hạn trả
- Các khoản phải trả người bán ngắn hạn
- Thuế và các khoản nộp Nhà nước
- Các khoản phải trả người lao động
- Các khoản chi phí phải trả ngắn hạn
- Các khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn
- Các khoản phải trả ngắn hạn khác
Đối với các khoản phải trả, bạn nên xem xét vòng quay khoản phải trả để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đối với nhà cung cấp.
Đối với các khoản nợ vay ngắn hạn, tùy theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà đòi hỏi cấu trúc nợ vay ngắn hạn khác nhau, tuy nhiên, dù thế nào một doanh nghiệp có ít nợ vay ngắn hạn càng tốt.
Đặc biệt đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, Warren Buffett thường tránh những công ty có tỷ lệ nợ vay ngắn hạn cao.
2.8 Warren Buffett xem xét Nợ dài hạn
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Nợ dài hạn là tổng giá trị các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp bao gồm những khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo như: khoản phải trả người bán, phải trả nội bộ, các khoản phải trả dài hạn khác, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tại thời điểm báo cáo.
Buffett cho rằng những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững thường có rất ít hoặc không có nợ vay dài hạn, bởi vì khả năng sinh lợi của doanh nghiệp rất cao, ổn định và hoạt động kinh doanh luôn tạo ra dòng tiền dương đủ để tài trợ cho hoạt động đầu tư của mình, kể cả trong các trường hợp thâu tóm doanh nghiệp khác.
Nhà đầu tư nên đánh giá nợ vay dài hạn của doanh nghiệp trong 1 khoảng thời gian từ 5 – 10 năm.
Nếu trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp sử dụng ít hoặc không có nợ vay mà vẫn có thể mở rộng kinh doanh chắc chắn doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành.
Trong trường hợp doanh nghiệp có nợ dài hạn lớn đi kèm với nó cũng phải có dòng tiền mặt tạo ra lớn, ban lãnh đạo ưu tiên sử dụng tiền để trở nợ sớm các khoản nợ dài hạn để tránh áp lực đòn bẩy cho doanh nghiệp.
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
Nếu nghiên cứu các khoản đầu tư của Buffett ta có thể thấy ông luôn ưu tiên những doanh nghiệp có lợi nhuận hàng năm đủ để trả toàn bộ nợ vay dài hạn trong khoảng 3 – 4 năm (đối với trường hợp của Coca Cola và Moody’s chỉ là 1 năm).
Qua 2 khoản mục nợ ngắn hạn và nợ dài hạn chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quát về nợ của doanh nghiệp: Phần lớn những DN tốt sẽ dùng khả năng tạo lợi nhuận của mình để tái đầu tư cho các kế hoạch phát triển tương lai mà ít lạm dụng vào nợ.
Một trong những yếu tố quan trọng của sự cân đối tài chính là tài sản dài hạn cần được tài trợ bởi nguồn vốn dài hạn tương ứng. Một doanh nghiệp nếu đầu tư vào một dự án dài hạn có thời hạn khoảng 15 năm mà vay bằng một khoản vay 6 năm, không sớm muộn, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn và đem đến áp lực về khả năng thanh toán cho doanh nghiệp. Để sớm nhận biết được điều này, nhà đầu tư cần quan sát xu hướng biến động lịch sử dài hạn của vốn lưu động thuần (WC). Có thể tính WC theo công thức sau:
WC = (Tài sản ngắn hạn – Tiền, tương đương tiền – Đầu tư ngắn hạn) – (Nợ ngắn hạn – vay nợ ngắn hạn)
Nếu WC có xu hướng giảm dần và đặc biệt chuyển sang âm lớn điều này đang báo hiệu sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của mất cân đối tài chính.Vốn lưu động thuần âm cho thấy công ty đã dùng nợ ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.
|
Cách đọc báo cáo tài chính của Warren Buffett |
- Nợ ngắn hạn và nợ dài hạn giảm theo các năm là một dấu hiệu tốt.
Một số chỉ số tài chính chúng ta nên sử dụng để có cái nhìn tốt hơn về tình hình sử dụng đòn bẩy của doanh nghiệp.
- Hệ số nợ = Nợ / Tổng tài sản. Buffett ưa thích doanh nghiệp có hệ số nợ < 0.5 và càng thấp thì càng tốt.
- Hệ số thanh toán hiện hành = Tổng tài sản lưu động ( tổng TS Ngắn hạn)/ Tổng nợ hiện hành (hay tổng nợ ngắn hạn) . Nếu tỉ số này > 1 là tốt, > 2 rất tốt, < 1 là không tốt. Nhưng nó không cho ta biết công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không.
- Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu = Tổng nợ / VCSH. Buffett thích công ty có hệ số này càng thấp càng tốt. Và nếu hệ số này < 0.8 rất có khả năng đây là công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững.
Như vậy Changetoberich đã trình bày cho các bạn về những điều cần chú ý khi đọc bảng cân đối kế toán theo cách của Buffett. Mong những kiến thức trên sẽ giúp nhà đầu tư thành công hơn trong việc lựa chọn một doanh nghiệp tốt cho danh mục đầu tư giá trị.
Change to be rich !
0 nhận xét: